Ngày cập nhật: 3/5/2004
Cũng không quá lời khi nhiều người thường gọi anh Nguyễn Chiến Sang là tỉ phú làng nem. Bởi anh là một thanh niên trẻ thành đạt, vươn lên làm giàu bằng nghề sản xuất nem truyền thống của đất Lai Vung.
Từ anh bán... ve chai
Những ngày đầu tháng 4-2004, chúng tôi tìm đến Cơ sở sản xuất nem “ Thúy Ngoan” rộng đến 2.000 m2, nằm ven Quốc lộ 80 thuộc khóm 4, thị trấn Lai Vung, huyện LaiVung, tỉnh Đồng Tháp. Anh Nguyễn Chiến Sang, chủ cơ sở còn khá trẻ (SN 1971) nhưng đã có gần 10 năm trong nghề. Trông bề ngoài, Sang chân chất thật thà y hệt như một nông dân “nòi”, chẳng giống ông chủ tí nào, nhưng lại là người có biệt tài làm nem ngon đáo để. Đưa chúng tôi đi thăm cơ ngơi khang trang với gần 100 công nhân tất bật sản xuất ngày đêm, khó mà tin được 10 năm trước anh khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng. Sinh ra trong gia đình nghèo, không được học hành đến nơi, đến chốn, lớn lên Sang mưu sinh bằng cách làm thuê làm mướn. Khi thì mua ve chai , lông vịt, khi thì lặn lội khắp nơi tìm mua phế liệu mang về chợ Lai Vung bán lại kiếm sống qua ngày.
Thế rồi như duyên cớ, Sang được người quen giới thiệu đi giao hàng cho các cơ sở sản xuất nem ở thị trấn Lai Vung. Với chiếc xe đạp cũ kỹ mỗi ngày anh đạp cả trăm cây số xuống Mỹ Thuận, rồi ngược lên phà Cao Lãnh, phà Vàm Cống... vừa bỏ mối cho các đại lý, vừa rao bán lẻ đến tận tối mịt mới về. Bán nem lâu ngày rồi thành “ mê”, tranh thủ lúc rảnh rỗi Sang tìm tòi học cách gói nem, phương pháp pha chế, làm nhân, trộn thịt, quết da... Gần 2 năm học hỏi, khi anh tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong nghề sản xuất nem. Lúc này Sang bàn với vợ nghỉ làm công để mở cơ sở sản xuất riêng. Chị Thúy - vợ Sang nhớ lại: “ Tài sản của vợ chồng lúc đó chỉ vỏn vẹn 500.000 đồng, trong khi các cơ sở lớn làm không lời huống chi mình vốn ít thì sao trụ được. Ai cũng cho rằng, vợ chồng thằng Sang làm chuyện tào lao, sớm muộn gì rồi cũng mang nợ ngập đầu”. Vốn ít, Sang làm nhỏ. Mỗi ngày chỉ gói khoảng 600 chiếc nem (tương đương 2 kg thịt heo), còn lá chuối, lá vông để gói nem thì anh chạy đi xin các nhà vườn quen biết nhằm tiết kiệm chi phí. Làm nem xong, anh tự mình chở đi bán bằng xe đạp, có lời bao nhiêu đầu tư làm lớn dần lên và mở thị trường tiêu thụ rộng thêm ra. Chắt chiu, cần kiệm với phương châm “ kiến tha lâu đầy tổ”, chẳng bao lâu Sang có được cơ sở sản xuất nem khang trang nhất ở Lai Vung với số lượng công nhân hàng chục người, khi vào dịp Vía Bà hay Tết Nguyên đán phải huy động đến cả trăm người sản xuất ngày đêm mới đủ cung cấp.
Đến doanh nghiệp bề thế
Anh Lưu Văn Tuấn, Phó Bí thư Huyện Đoàn Lai Vung, nhìn nhận: “ Hành trình đổi đời của thanh niên Nguyễn Chiến Sang ít người bì kịp. Chỉ trong vài năm từ hai bàn tay trắng, giờ đây Sang có cơ ngơi trị giá cả tỉ đồng. Đáng nói hơn, trong lúc một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp lao đao, thì anh biết khắc phục khó khăn vươn lên làm giàu bằng nghề sản xuất nem truyền thống. Đây chính là gương điển hình tiêu biểu nhất của phong trào thanh niên lập nghiệp ở Lai Vung”. Không dừng lại ở nghề sản xuất nem, Sang mua thêm đất đào ao nuôi cá và nuôi heo. Đàn heo hàng trăm con, giúp anh chủ động được nguồn nguyên liệu trong việc làm nem, không còn bị động những lúc thịt heo lên giá. Nắm bắt nhu cầu của du khách qua lại trên Quốc lộ 80, ngoài việc ghé lại mua nem, nhiều người muốn tận mắt xem sản xuất nem tại chỗ và dừng chân nghỉ ngơi, tham quan, ăn uống... Gần đây, Sang mạnh dạn đầu tư thêm gần 800 triệu đồng mua sắm trang thiết bị hiện đại và mở rộng qui mô sản xuất. Toàn bộ qui trình sản xuất nem được làm trong phòng kiếng sạch sẽ, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh. Bên cạnh đó, anh mở thêm quán ăn, buôn bán các loại bánh kẹo, trái cây, quà lưu niệm và nhiều mặt hàng phục vụ đầy đủ các nhu cầu du khách đến làng nem. Với cách làm mới này, du khách xa gần ghé vào mua nem và nghỉ ngơi tăng vọt. Nếu như trước đó mỗi ngày cơ sở chỉ tiêu thụ được khoảng 5.000 - 7.000 chiếc nem lớn nhỏ, giờ đây số lượng tiêu thụ tăng lên 10.000 - 12.000 chiếc, những ngày đắt đến 15.000 - 20.000 chiếc. Đặc biệt, từ nay đến Lễ hội Vía Bà ở Châu Đốc, du khách qua lại QL 80 ghé mua nem còn tăng hơn. Cộng với buôn bán các mặt hàng khác, mỗi năm Sang thu lời từ 100 - 200 triệu đồng.
Cơ sở sản xuất nem ngày càng ăn nên làm ra, khách hàng từ các tỉnh xa tìm đến càng nhiều, nhưng Sang nhất quyết không tăng giá nem mà trái lại liên tục đầu tư chế biến chiếc nem ngày càng ngon hơn. Hạn chế của chiếc nem trước đây là thời gian bảo quản rất ngắn, chỉ kéo dài được 3- 4 ngày, do đó khi gặp những lúc mưa bão nem không bán hết sẽ bị hư toàn bộ dẫn đến lỗ lã. Sau thời gian tìm tòi áp dụng nhiều biện pháp chế biến mới, chọn da heo và thịt nạc loại tốt, đến nay chiếc nem có thể bảo quản kéo dài từ 6 - 7 ngày mà vẫn giữ được độ chua và rất ngon.” Phải có thương hiệu hàng hóa thì mới đưa chiếc nem truyền thống đi xa hơn và tăng sức cạnh tranh trên thị trường”-Sang quả quyết như vậy. Thế là anh phối hợp cùng với các cơ sở lân cận lặn lội lên tỉnh đăng ký thủ tục, xây dựng thương hiệu nem Lai Vung. Và gần 2 năm nay nhãn hiệu nem Lai Vung “ Thúy Ngoan” được các ngành chức năng công nhận và nhiều khách hàng ủng hộ.
Thành công trong nghề sản xuất nem, Nguyễn Chiến Sang được kết nạp vào Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Đồng Tháp, được chọn đi báo cáo ở nhiều Hội nghị điển hình về phong trào thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và khu vực. Từ người bán ve chai, giờ trở thành “ triệu phú” trẻ nhất ở làng nem Lai Vung, nhưng Sang vẫn sống hòa đồng bình dị với mọi người, thích tham gia nhiều phong trào thanh niên và nhiệt tình đóng góp công sức vào việc làm xã hội. Sang tâm sự: “Lớn lên trong nghèo khó, nên mình thấu hiểu và luôn đón nhận những thanh niên nông thôn khó khăn vào làm ở cơ sở. Giúp được họ có công ăn việc làm ổn định cuộc sống mình thấy vui lắm. Đặc biệt, góp phần khôi phục và phát triển nghề sản xuất nem truyền thống ở quê hương”.
Huỳnh Lợi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét